Cavenui

Đã thấy – Đã nếm – Đã chán

  • Thư viện

  • Bình luận mới nhất

    Adt trong Lại thêm 1 bài không phải…
    chucnguyen81 trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    vtdtfc trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Nina trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Cáo trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…

Bài cũ post lại: Chủ đề cave trên tnxm

Posted by cavenui trên Tháng Tư 1, 2010

https://tnxm.net/t2548

Em về điểm phấn tô son lại

16/12/2005

ColdHeart

Hôm nay vô tình bắt gặp đôi câu thơ, lại nhớ về một kỷ niệm xưa.

Em về điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nét cười!

Ai biết đôi câu thơ trên của ai, và trong bài thơ nào ko, xin chỉ giùm!

Người xưa hay nói: Tự tòng nhất kiến khanh khanh hậu, trần thế giai nhân tổng thị vô. Quả là có những kỷ niệm khó quên, có những thứ bâng quơ nhưng cũng làm sống lại một thời phôi pha, quả là “tha nhân thì hữu tâm” nhưng thời gian lại vô tâm, xóa mờ tất cả…

Em trách ta xuống phố quên làng
Bao lần én lượn, bướm bay ngang
Em ơi con bướm vườn Xuân ấy
Chẳng thể tìm nhau, chỉ ngỡ ngàng
(TTD)

 

17/12

lifegoeson

sao em tha^’y version

Em ve^` đie^?m pha^’n to^ son la.i
Nga.o vo*’i nha^n gian mo^.t nu. cu*o*`i

ca’i na`o đu’ng nhi? ?

Google ba?o tho* na`y cua? Tra^`n Huye^`n Tra^n, nhu*ng em nho*’ mang ma’ng hi`nh nhu* đo.c 2 ca^u na`y trong ba`i tho* Co^ ga’i So^ng Hu*o*ng, ta’c gia? la` To^’ Hu*~u

Kamille

Trích nguyên văn ColdHeart

Ai biết đôi câu thơ trên của ai, và trong bài thơ nào ko, xin chỉ giùm!

—- hết trích—

Trần Huyền Trân

Cavenui

Bài này không phải của Trần Huyền Trân, cũng không phải của Tố Hữu. Tác giả là Thái Can. Tên là Cảnh đoạn trường. Nó có trong Thi nhân Việt Nam.

Đây là toàn bài in trên trang web suutap.com, hôm khác em đối chiếu với bản in xem có sai sót chữ nào không.

Cảnh đoạn trường
— Thái Can —

Em chỉ nói rằng: “Đời em buồn”
Rồi em nức nở lệ sầu tuôn
(Tâm sự một cô gái nhảy)

Anh nhớ năm xưa trong yến diên
Họp mặt ba kỳ, trăm sinh viên.
Rót chén rượu nồng cùng vui chơi
Trước khi chia tay người mỗi nơi.
Điểm vui yến tiệc bọn ca nhi
Ba bảy mai kia đương vừa thì.
Hoa khôi hôm ấy là em đó,
Liếc mắt đưa tình đá cũng mê.
Hôm nay nức nở sầu ảm đạm
Kể lại đời em nghe thê thảm:
Không quê, không quán không mẹ cha,
Như cánh bèo trôi không chỗ bám.
Em dấn thân vào hồng lâu
Lụy từ nô bộc đến công hầu.

Rồi lại giạt trôi trường khiêu vũ
Hết lòng chiều khách lại chiều chủ.
Liễu bồ sức vóc được bao nhiêu
Dạn gió dày sương thực đến điều.

May thay em gặp khách phiêu lưu
Cảm thấy tình em thảm đạm nhiều,
Nhặt cánh hoa tàn rơi dưới đất
Chung tình trong một mối thương yêu.

Khách nhớ quê xa trở gót về.
Đêm trường nhớ khách dạ đê mê,
Cảm thấy đời em buồn lạnh, tẻ,
Ngoài đường sương lạnh bước ra đi.

Ra đi gió lạnh tạt ngang mình,
Nghĩ đến đời em, em khiếp kinh,
Kinh khiếp vì đời như vực thẳm
Xui em trụy lạc hỡi trời xanh!

Nếu cũng như ai có mẹ cha,
Buồng xuân rủ gấm với phong là,
Thời em ngày tháng cùng vui sương
Hớn hở nô đùa với cỏ hoa.

Rồi ngày đào lý nở nhành bông,
Em cũng như ai được tấm chồng
Quyền cả chức cao trong xã hội
Êm đềm chia ngọt sẻ bùi chung.

Than ôi! Em có được như người
Hoa tạ lia cành trước gió rơi
Lăn lóc cát lầm hoen cánh ngọc
Đem thân làm thú vạn muôn người.

* * *
Lững thững em đi bên vệ đường,
Âm thầm buồn bã; gió cùng sương
Ướt cả áo xiêm, em chẳng biết…
Lòng em mang nặng dấu đau thương.

Chán nản quay đầu em lại nhìn
Cuộc đời quá khứ tựa đêm đen.
Tương lai bước tới chân chồn mỏi,
Một bước đau lòng, một bước thêm!

Lầu các, kìa ai vợ với chồng
Êm đềm trong giấc phụng loan chung.
Riêng em lững thững bên hè vắng
Khóc mãi, mắt em úa đỏ hồng.

Ôi thôi! Em quyết chỉ quyên sinh
Quyết bỏ trần gian, bỏ ái tình.
Trong một gian buồng thuê buổi tối
Đau lòng, em uống thuốc quyên sinh.

Khinh thay! Những gái tiếng con nhà
Vì tính buông tuồng phải trụy sa
Vào chỗ bùn lầy nghề kỹ nữ;
Nhưng em … nào phải muốn giăng hoa.

Giời đất này! Hãy chứng minh:
Vì chưng xã hội quá bất bình.
Thân em thật đã bùn than lấm
Lòng tuyết, em còn giữ tiết trinh.

Mang tấm thân lòng đau xuống suối vàng
Ai người nhân thế chạnh lòng thương?
Ai người biết được em đau khổ?
Đêm lạnh… thân ôi! Cảnh đoạn trường.

Cõi đời dần tối, giấc âm thầm
Hình ảnh ngàn xưa cũng xoá dần,
Sau rốt cảm nghe như mẹ ẵm
Và lời ân ái khách xa xăm.

Sáng sớm người ta vào buồng ngủ,
Thất đảm kinh hồn người la rú
lVội vàng đưa em đến nhà thương,
Để em lạnh lẽo nằm trên giường.
Hồi lâu thuốc thang em tỉnh dậy
Mở mắt, lạ lùng nhìn thế gian;
Bất giác hai hàng lệ em tràn.

Chung quanh em, những người săn sóc
Gạn ghẽ dò la hết cỗi gốc
Em chỉ nói rằng: “Đời em buồn”.
Rồi em nức nở lệ sầu tuôn.

* * *
– Anh cũng như em, chán cõi đời,
Nhưng mà quả quyết sống mà chơi.
Đời càng bạc bẽo cùng mình lắm
Mình cũng yên vui, cũng nói cười!

Cười đời bạc bẽo khinh thế gian
Cho biết rằng ta chẳng phải hèn
Ta sống vì chúng ta quả quyết
Đạp bằng muôn vạn nỗi gian nan.

Đứng dậy, em ơi! Sống cõi đời,
Đời dầu khổ nhục đến mười mươi,
Em nên điểm phấn tô son lại,
Ngạo với nhân gian một nụ cười.

Ngày mai ở mãi chốn chân trời
Trong cảnh gia đình ấm áp vui
Một phút trầm ngâm anh sẽ khấn
Cho em trở lại được tươi cười

Cavenui

Sở dĩ có người gúc ra tác giả Trần Huyền Trân là vì trong 1 bài phỏng vấn Đoàn Thị Lam Luyến, nhà thơ này nói:
Tôi rất thích câu thơ của nhà thơ Trần Huyền Trân: “Em về điểm phấn tô son lại/ Ngạo với nhân gian một nụ cười”.
Đoàn Thị Lam Luyến nhớ nhầm, hoặc phóng viên phỏng vấn chị chép nhầm.

3/1/2006

lantuvien_ttt

Úi giời ạ, 2 câu thơ hay thế mà nhớ nhầm. Cái bà Lam Luyến này cho đi học lại kiến thức lớp 8 thôi bà con nhỉ! Hay là các fans của bà Luyến hãy tặng bà ý tập
“Thi nhân việt nam” nhé. Thơ Thái Can hay thật!

Hồ Minh Trí

Bài thơ của Thái Can quả thực rất xúc động, anh cảm thấy muốn khóc. Nhân đây, anh xin bày tỏ tấm lòng biết ơn cao cả đến các cô gái cave Việt Nam (bao gồm 15 ngàn cô ở Đài Loan, 5 ngàn cô ở Singapore, 20 ngàn cô ở Trung Quốc, 7 ngàn cô ở Châu Âu và Mỹ) và hàng trăm ngàn cô gái Việt Nam hiện đang hành nghề ở Việt Nam. Xin chúc các cô sức khỏe và niềm tin trong năm mới Bính Tuất. Mong các cô tiếp tục lao động chăm chỉ hơn, chuyên nghiệp hơn, tích cực mang ngoại tệ về cho đất nước giúp cho đất nước ta ngày càng phồn vinh và phát triển.

sanctuary

Em đọc ở đâu đó 2 câu này nghe hay hay nhưng không hiểu ý tứ, có bác nào biết nó nằm ở bài nào, của ai thì bảo dùm em với:

Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhị cho tà huy bay

Em cảm ơn trước (icon rose)

Cavenui

2 câu này là của Bùi Giáng. Bài nào thì em không biết.

Thu Muộn

Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

Đàn bà thì phải là “nhụy” chứ “nhị” là sao? Nhụy được thụ phấn từ nhị.

Cao Minh

Thơ Bùi Giáng khó có thể giải thích một cách tường minh lắm em ạ. Mỗi người một cách hiểu. Anh nghĩ hai câu này nói về Thúy Kiều khi tái ngộ Kim Trọng. Bản thân Bùi Giáng rất mê Truyện Kiều.

Cala

Bùi Giáng có viết hai cặp Lục bát khắc họa hai giai đoạn trong cuộc đời Thúy Kiều: trầm luân khổ ải và tái hợp Kim Trọng

Hỏi quê, rằng biển xanh dâu
Hỏi tên, rằng mộng ban đầu đã xa

Nàng về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

Chữ “Tà” trong tà dương
Chữ “Huy” trong huy hoàng.

“Quần phong nhụy”: Quần của kỹ nữ => Ám chỉ những năm tháng lưu lạc

Dịch nghĩ ra mất hay. Cứ cảm nhận bằng nguyên tác đi các bác ạ

4/1

Thu Muộn

Em thì nghĩ “quần phong nhụy” không nhất thiết là quần của kỹ nữ như bạn Cala nói. Ở đây có cặp “giũ áo mù sa” và “trút quần phong nhụy”. “Áo mù sa” và “quần phong nhụy” tư duy đơn giản là đời trải gió sương, không còn trinh nguyên e ấp. Không có lý do đặc biệt nào (ngoại trừ những suy đoán từ truyện Kiều) để nói “quần phong nhụy” là quần của kỹ nữ. Nó đơn giản là một hình ảnh đẹp do tác giả sáng tạo nên. Đồng thời quần áo vẫn biểu trưng cho những cái gì bên ngoài, không thuộc về bản chất. Nói quần phong nhụy ám chỉ quần của kỹ nữ hơi khiên cưỡng và mất tính đa nghĩa trong các lớp.

Tà huy có lẽ mang tính đối là chủ yếu.

Đại ý chẳng cần gì nhiều thì cũng tự hiểu ra, người con gái trút bỏ bụi trần, nhơ nhớp và quên lãng mọi đúng sai, thị phi, đẹp xấu, sang hèn… trước đây.

Bắc Thần

Đúng rồi. “Quần phong nhụy” dịch ra là quần của kỹ nữ nghe thấy mất hứng. Ca-ve chủ yếu là để rảnh thì mang ra giã, giã xong thì trả tiền và đứng đợi lấy tiền thối rồi ra về thôi chứ là nguồn cảm hứng để mần thơ thế x nào được.

Anh thật không hiểu tại sao có lắm người sáng tác nhạc tôn vinh nghề ca-ve đến thế. Ca-ve là nhu cầu tất yếu như đường và bột ngọt thì thấy còn ô-kê, chứ đem ra đáng bóng rồi sì sụp hít hà anh thấy rằng hơi quá đáng.

Thu Muộn

Ờ, công nhận với bác Bắc. Nghe kiểu “em mơ ước được như Thúy Kiều” với giới thiệu cho Tây nghe “nàng thơ của dân tộc Việt là một con phờ” cũng buồn cười. Chính anh Nguyễn Công Trứ em lúc nào cũng tỉnh. “Kiều thì cũng chỉ là một con đ ĩ.”

Mai

Bác Bắc em ơi, ca ve khác người thường ở chỗ nào ạ? Bộ đã là ca ve thì không có nội tâm hả bác? “Đối gương, ôm sầu riêng bóng”, “Sống thì làm vợ khắp người ta, chết xuống âm phủ làm ma không chồng…” Bác có thấy đời nó bạc cbn bẽo không ạ?

Cala

He he bác Thu Muộn. Em hiểu từ đó trong trường hợp Thúy Kiều thôi mà.

Thu Muộn

Bác Mai nhạy cảm thương vay khóc mướn nhỉ? Cảm thông là một chiện, đưa lên khấn vái xì xụp lại là chiện khác. Cave hiểu theo nghĩa tích cực nhất thì là một nghề chứ chả có gì hay ho.

“Sống làm vợ khắp người ta
Đến khi thác xuống làm ma không chồng”

Em x thích câu này vì không đẹp và logic. Thiếu gì điếm có chồng, còn nếu không có thì không có từ lúc sống chứ việc gì mà phải chờ thác xuống? Ví cả ma thì ma nhéo nào chả không chồng không vợ. Chả nhẽ làm ma rồi còn lôi nhau xuống ngủ cùng à? Rõ ràng lạm dụng cái chết để xin đểu nước mắt.

“Đối gương, ôm sầu riêng bóng…” không phải nói riêng về cave bác nhé!

PS: Em các bác hôm nay bức xúc, các bác thông cảm.

Mai

Em bác thì chẳng thương vay khóc mướn, chỉ vì em thấy thiệt là vô lý khi người ta vẫn chơi điếm, trong khi vẫn khinh thường điếm mà thôi. Có tác phẩm nào tôn gái điếm lên thành một nghề cao quý không, hay toàn là những tác phẩm chỉ ra những nỗi cực nhọc, nhục nhã của những người làm nghề ca nhi, kĩ viện, hồng lâu này? Em bác thấy trong xã hội quả là có nhiều định kiến thiệt bất công. Chiện tình dục bản thân nó chẳng có tội lỗi gì cả, tại sao con người (Việt nam) luôn lấy ra để mà xỉ nhục lẫn nhau í nhỉ. Hay thiệt.

Hoàng Cúc

tìm được một vài ý kiến về hai câu này

Nàng về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

“Hỏi quê rằng biển xanh dâu
Hỏi tên, rằng mộng, ban đầu đã xa

Nàng về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

Bùi Giáng là một người bị ám ảnh với Đoạn trường tân thanh, hai cặp lục bát này đều viết về Thúy Kiều, khắc họa hai chương trong cuộc đời chìm nổi của nàng: lưu lạc phong trần và tái hợp với Kim Trọng…

Tà huy là ánh sáng lúc ngày tàn, chữ tà trong tà dương, huy trong huy hoàng…

Trong Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn có câu:

Thư quy nhân vị quy
Sa song tịch mịch chuyển tà huy
Tà huy tà huy hựu tà huy

(Thư về mà người chưa về, ánh sáng của chiều tàn hắt bên rèm thưa tịch mịch, cứ hết chiều tàn này rồi chiều tàn khác đã qua)

Tuy nhiên nói chữ tà huy người ta thường gắn nó với Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, với hai câu nổi tiếng trong Cung oán ngâm khúc:

Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy…

Tôi chỉ có thể giải thích được đến đây, vì thơ Bùi Giáng vốn siêu hình, phi tuyến tính (nghe trời đổ lộn nguyên khê, tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh) và phi logic, hiểu được hay không, và hiểu như thế nào là tùy vào mỗi cá nhân…”

5/1/06

Bắc Thần

Trích nguyên văn Mai

Em bác thì chẳng thương vay khóc mướn, chỉ vì em thấy thiệt là vô lý khi người ta vẫn chơi điếm, trong khi vẫn khinh thường điếm mà thôi. Có tác phẩm nào tôn gái điếm lên thành một nghề cao quý không, hay toàn là những tác phẩm chỉ ra những nỗi cực nhọc, nhục nhã của những người làm nghề ca nhi, kĩ viện, hồng lâu này? Em bác thấy trong xã hội quả là có nhiều định kiến thiệt bất công. Chiện tình dục bản thân nó chẳng có tội lỗi gì cả, tại sao con người (Việt nam) luôn lấy ra để mà xỉ nhục lẫn nhau í nhỉ. Hay thiệt.

—- hết trích—

Em này chắc coi phin Memoirs of a Geisha rồi khóc nấc lên nghẹn ngào đây mà. Anh chẳng khinh thường hay phê bình các em ca-ve hồi nào. Thời còn cơ hàn anh đã chẳng ăn dầm ở dề nhà các em ca-va đấy thôi. Ban ngày ngồi xem các em đánh bài so bì quần áo, ban đêm thì đợi các em đem gà-mên đi mua mì vằn thánh về ăn khuya. Anh thấy nói chung là ổn, chẳng có tí ti dị nghị gì.

Nhưng mà đưa các em ca-ve và biến thể của ca-ve như ca nhi, kĩ viện, hồng lâu vào hàng ngũ các chị em phụ nữ khác anh thấy là bất công cho các chị em phụ nữ đấy. Vừa thổi kèn vừa hát là rất không được.

Iron Will

Trích nguyên văn Bắc Thần

Em này chắc coi phin Memoirs of a Geisha rồi khóc nấc lên nghẹn ngào đây mà.

—- hết trích—

Bác xem chưa? Hay ko ạ? Tớ muốn đi xem lắm nhưng chỗ tớ đến đúng thứ 6 ngày 13 mới chiếu. Dù sao thì cũng sẽ đi xem mặc dù tớ ko mặn mòi mấy vụ kỹ nữ cave lắm, nhưng cứ quay hoành tráng là thích rồi

Bắc Thần

Phim 4`. Nội dung 4`. Diễn viên 4`. Đạo diễn 4`. Chỉ có cảnh là ô kê. Đây là mục điểm phim hàng tuần của mình:

MEMOIR OF A GEISHA

Đây là một phim loại nằm giữa phim nghệ thuật (art phelm) và điện ảnh đờn bà (chick flick). Dĩ nhiên đờn ông hảo hán râu xồm như mình chẳng bao giờ ghé mắt đến, nhưng hên là có một thằng bạn của đứa bạn đi xem về kể lại là:

+ Hollywood vẫn chưa hiểu được là Japanese không phải là dân Á Đông cho nên không thể nào mướn dân Á Đông đóng vai Japanese được. Ngoài dân Japanese ra không ai có đủ grace hay là pride để hoàn tất vai trò này cả. Họ Trương và họ Củng tuy nhìn đẹp nhưng không diễn đạt thuyết phục cho lắm. Geisha gì mà mặt nhìn thủ đoạn như sắp đả thương và móc túi khách vậy. Phải là mình thì mình kiu mama-shan lại đổi hàng gấp gấp.

+ Mình thấy cách giải trí bằng geisha coi bộ hào hứng và phấn khởi, khá thích hợp với con người ham vui như mình. Câu hỏi đặt ra ở đây là, who can you kill to be a chairman of a big corporation and have poontang like that?

+ Màn họ Trương diễn vai cô gái dưới trời tuyết thật quá ư là xuất sắc. Coi chỉ đoạn đó thôi là đã vừa tiền vé rồi. It’s such a powerful and tasteful visual f$#%fest to say the least.

Phuongdong

Trích nguyên văn Bắc Thần


Nhưng mà đưa các em ca-ve và biến thể của ca-ve như ca nhi, kĩ viện, hồng lâu vào hàng ngũ các chị em phụ nữ khác anh thấy là bất công cho các chị em phụ nữ đấy. Vừa thổi kèn vừa hát là rất không được.

—- hết trích—

(Post bài Cave của Nguyễn Việt Hà)

Cavenui

Post lại bài Ca ve của Nguyễn Việt Hà vì bác PD có lược bớt vài đoạn:

Ca ve
Tản văn của Nguyễn Việt Hà

Đạo diễn Lê Hoàng khi trả lời phỏng vấn báo chí ao ước cái tít phim mình đang làm sẽ có tên là Ca ve. Ông đạo diễn không giải thích gì thêm nhưng nhiều người yêu điện ảnh tin chắc là phim sẽ hay vì nội hàm của khái niệm cave luôn gần gũi với những gì cảm động.

Ca ve là 1 từ tiếng Tây đã và đang được Việt hóa như chữ xà phòng, chữ ti vi. Ở TQ đại loại gọi ca ve là kỹ nữ, ở Nhật gọi ca ve là geisha còn ở ta trên một số văn bản hành chính gọi là nữ tiếp viên. (Có học giả uyên bác cặn kẽ giải thích xuất xứ của nó là từ tiếng Pháp, cavalière, đọc trại ra).
Kỹ nữ khi tiếp khách thì thường gảy đàn ề à hát, geisha thì tính tiền giờ bằng cách thắp một nén hương. Còn nữ tiếp viên quy thời gian lao động bằng bài. Ở karaoke là những đoản ca, ở discotheque là những đoản khúc. Nếu nhìn bằng con mắt toàn tri thì tổng thể là đại đồng vài nét lẻ tẻ khác chỉ coi là tiểu dị.

“Hồng ơi, Tuyết ơi, Mơ ơi. Những thằng đạo đức giả có còn sỉ vả các em không”. Đây là 1 câu thơ của 1 cố thi sĩ ở miền Nam, người đã có rất nhiều thơ được đưa vào các tuyển tập thơ phía Bắc thời gian gần đây. Các em gái bán bar trước bảy nhăm, những thôn nữ làm nghề gái nhảy ở vũ trường sau đó đều chính danh là ca ve, có thẻ đóng dấu và được phép hành nghề. Ối chao ơi, nghề nào chẳng là nghề, thế nhưng không hiểu sao biết bao người thông minh mạo nhận mình là giám đốc mà hiếm có ai ngu ngơ tự nhận là ca ve.

Đời thực thì là vậy, may thay, trong “tấm gương phản ánh hiện thực” thì có khác, ca ve luôn là đề tài ruột của đông đảo văn nhân mặc khách. Cùng một lứa bên trời lận đận, nên ở Paris, con trai của Alexandre Dumas viết Trà hoa nữ, xuống Giang Nam Bạch Cư Dị nức nở sáng tác Tỳ bà hành, tại đất Việt đại thi hào Nguyễn Du khóc với Tiếng kêu mới đứt ruột (Đoạn trường Tân thanh). Văn học là tình. Tình động thì tâm động. Tâm động thì chữ sinh. Chữ sinh thì tác phẩm thành.

Ở 1 sự phân loại xã hội học không chính thức, nghề ca ve luôn được xếp ở nhóm nghề “dưới đáy” (chữ của văn hào vô sản Nga Gorky). Có phải thế chăng mà rất nhiều người tử tế coi ca ve là 1 trong những nguồn dẫn đến các tệ nạn xã hội. Số lượng ca ve “hư” là 1 biến số rất khó đong định, đại loại giống như số lượng người tài. Nó trồi sụt bất thường, hoặc phụ thuộc vào buổi nông nhàn hoặc vĩ mô biến động theo giá đô la và vàng bốn số chín. Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thì mọi số liệu về gái mại dâm đều là số tạm tính. Tại sao ca ve lại ra đứng đường. Liệu có phải bần cùng sinh đạo tặc, liệu có phải giấy rách rồi bục luôn cả lề. Đã nhiều diễn đàn nhiều hội thảo được mở về vấn đề này, nhưng câu trả lời là bỏ ngỏ.

Ca ve có tuổi mệt mỏi chán nghề thì thường hiền lành quy cố hương hoặc nương nhờ vào từ bi cửa Phật. Thao tác này tuy không hào hùng bằng người có chức treo ấn từ quan hay cao thủ rửa tay gác kiếm nhưng hơn hẳn ở những nét chua chát đầm đầy sám hối. Ông Việt gian Tôn Thọ Tường cũng biết vậy nên giả vờ ngây thơ nhập nhằng làm bài tám câu thể thất ngôn Lão kỵ quy y (dịch nôm na là ca ve về hưu) để thanh minh cho việc mình đã từng a dua bán nước.

Ca ve chẳng hẳn là hay nhưng cũng chẳng hẳn là dở, nghề của họ theo tôi tương tự nghề viết văn, có vẻ khác thường. Giống như nhiều người viết đa phần ca ve đều có xuất xứ ở những nơi ẩm ướt nước mắt hoặc từ các chung cư nghèo ngoại ô hoặc từ những xơ xác đồng chua chiêm trũng. Thật hiếm thấy ca ve là những thiếu nữ khuê các đã từng êm đềm ở nơi màn che trướng rủ.

Xuất xứ là vậy nên ca ve hình như rất biết thương mình và thương người. Thương ở đây là thương yêu chứ ca ve không cần đểu giả thương hại. Trong kiệt tác Bút ký dưới nhà hầm, Đốt đã mô tả một tội ác khi để gã nhân vật chính dung tục chế nhạo sự mong manh trong trắng cuối cùng của 1 cô gái điếm. Cô bé bị gã làm nhục khi trót khoe mấy lá thư tình của 1 sinh viên nào đó lúc qua đêm đã viết ngỏ lời thương cô. Cô bé bình thường ao ước mọi người hiểu là mình đã yêu và được yêu. Gã nhân vật chính khe khắt dùng kiến thức chữ nghĩa sắc sảo cố chứng minh những lá thư đó chỉ là phù phiếm và lừa dối.

Từa tựa như Đốt, văn học VN hãnh diện vì có thi hào Nguyễn Du. Hầu như trong túi xắc da xịn nào của các cô bé ca ve đều cũng có một quyển Kiều để những lúc vắng khách âm thầm bâng khuâng mang ra mà an ủi tự bói. 1 nhà thơ hậu sinh đã làm 2 câu thơ có vẻ sến buồn bực đến nghẹn cười.

Tố Như vẫn khóc đêm trường
Khi Kiều còn đứng bên đường Nguyễn Du.

Cavenui

Bài của Nguyễn Việt Hà em không thích bằng bài của ToTi post lên Thăng Long 12/6/2004, có thể lý do là có tên cavenui trong đó.
————————————————
GÁI ĐIẾM VÀ THI CA
ToTi.

LTS. Thời gian qua chúng tôi đã cho đăng một số chuyên luận của KTS Kòm về mối quan hệ giữa Kiến trúc sư và Gái Điếm cũng như luận văn của TS kinh tế Killer về tiềm năng kinh tế của Gái điếm. Nay chúng tôi xin giới thiệu một bài viết mới về mối quan hệ hữu cơ giữa Thi ca và Gái điếm.

Nếu bạn hỏi bất kỳ một người VN nào về nhà thơ lớn nhất Việt Nam bạn sẽ ngay lập tức nhận được câu trả lời: Nguyễn Du. Vâng, Nguyễn Du và tác phẩm lớn nhất của ông đương nhiên là Truyện Kiều. Khác với bà bạn đồng nghiệp là Hồ Xuân Hương, người được coi là SEX SYMBOL của thi ca Việt Nam với đủ các thể loại Sex, như Sex lễ hội (Đánh đu), Sex danh lam (Vịnh chùa Thầy), Sex trái cây (Quả mít) và Sex nông nghiệp (Vịnh con ốc), Nguyễn Du chỉ có một tác phẩm đặc trưng duy nhất là Truyện Kiều. Và tất nhiên nếu không có Truyện Kiều thì Nguyễn Du chỉ là một nhà thơ hạng ba hạng bốn.

Vậy thì cái gì đã làm nên một Truyện Kiều đặc sắc ? Câu trả lời hiển nhiên là Gái Điếm. Nếu giả sử ở thời điểm ông già nàng Kiều, tức Vương Ông, bị bắt vì tội buôn lậu hay một tội danh đại loại như thế, chàng Kim Trọng đi xe Ford đỏ (giống anh Sen 4’ nhà ta) xuất hiện kịp thời và sớm có những hành động chạy án đúng lúc, cuộc đời nàng Kiều sẽ ra sao? Đương nhiên là nàng sẽ có một cuộc sống gia đình buồn tẻ bên anh chồng yếu sinh lý (cái này hình như theo nữ văn sĩ Phạm Thị Hoài thì đó là đặc điểm nổi bật của trí thức Việt Nam). Thỉnh thoảng, bên chồng nàng sẽ có những giấc mơ về những anh da đen, mình hổ lưng gấu tay vượn bụng beo và đương nhiên bộ phận quan trọng nhất thì khỏi cần miêu tả. Và tất nhiên với một nàng Kiều như thế, tất nhiên nhà thơ thiên tài của chúng ta chỉ có thể viết được một bài thơ trên dưới một trăm câu tả cảnh trên trời dưới đất là hết chuyện. May mắn thay cho cả nàng Kiều, cả Nguyễn Du và cả nền văn học của chúng ta, nàng Kiều lại quyết định đi làm gái điếm, một quyết định sáng suốt sau khi đã chia chác tình cảm với cô em Thúy Vân béo múp. Và từ đây, nàng đã gặp đủ loại người từ anh dắt gái Mã Giám Sinh (giống nghề chú Des) đến anh Sở Khanh nhà ở Moscow có cạc vi dít ghi rõ tốt nghiệp trường MGU cuộc đời nàng rẽ ra hướng khác. Và đó chinh là niềm cảm hứng bất tận cho nhà thơ thiên tài của chúng ta viết nên những áng thần văn lưu truyền cho hậu thế.

Trong toàn bộ lịch sử của mình, văn học VN cũng như văn học thế giới luôn phải mang ơn những cô gái điếm. Từ Nguyễn Du cho đến Tú Xương (bác này đi chơi gái lại còn mang ô, tất nhiên có thể ô ở đây là biểu tượng cho BCS, cái này chúng tôi sẽ đề cập đến ở một chuyên đề khác), từ Vũ Trọng Phụng cho đến Nguyễn Công Hoan, các cô gái điếm luôn là hình ảnh thường trực trong các tác phẩm của họ cũng giống như hình ảnh những anh lính mặc quần áo mới toanh luôn xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh Việt nam. Đi ra nước ngoài, ta cũng sẽ bắt gặp những Viên mỡ bò béo múp míp Made in France hay những cô Cave nhân hậu của nước Nga trong truyện của Macxim Gorki giống em Cavenui nhà ta. Ngược lên Nhật Bổn đất nước của những Geisha ta sẽ thấy Những người đẹp say ngủ nằm đầy đường trong các khu phố đèn đỏ. Vòng về Phi Châu đi săn cùng với Hemingway ở đỉnh Kilimanrajo, chúng ta cũng không thể quên những đêm trụy lạc ở Ba Lê tráng lệ để rồi phải buột miệng thành thơ “You are a rich bitch”. Thậm chí Satre còn phải kính nể gọi niềm cảm hứng của thi ca là “Con đĩ đáng kính” (The Respectful Prostitute ).

Các thi sĩ của chúng ta thường gọi đối tượng của cảm hứng là Nàng Thơ. Vậy thì rốt cục nàng là ai hở Nàng Thơ thẹn thùng hở hang của chúng em ?
Còn ai vào đây nữa, Nàng chính là Cave. Chính các em Cave, chứ không phải các bà vợ của các thi sĩ, những con người luôn miệng làu nhàu về sự thiếu thốn vật chất sự thừa thãi tinh thần, chính các em mới là nguồn cảm hứng cho thi ca. Các em đã giúp các chàng thi sĩ trẻ trung tâm hồn mong manh yếu đuối, tán gái bằng những lời ấp a ấp ủng hiểu thế nào là đàn bà. Các em đã giúp chàng trở nên mạnh mẽ hơn dạn dĩ hơn và cũng để cho chàng hiểu rõ hơn là với gái chúng ta phải dùng tay chứ không phải dùng mồm. Chính các em, bằng nghệ thuật chân chính của mình đã làm cho các nhà thơ già turn on trở lại. Chính các em đã tưới một luồng gió mát vào tâm hồn già nua, ủ rũ và khô héo của các bác thi sĩ già, làm cho các bác có ảo tưởng rằng mình đang trẻ lại chứ không phải hết xí quách như vợ các bác vẫn hay càu nhàu.

Gần đây (thực ra là cũng lâu lâu rồi), thi sĩ già Hoàng Hưng dám cả gan viết:
Tuổi ba mươi buồn như con trẻ
Mất tân vì cô điếm ế
Ngay lập tức nhà phê bình Trần Mạnh Hảo thông thái của chúng ta vặn lại ngay. “Sao lại buồn. Trước cái sự dzui dzẻ đó buồn thế quái nào được.” Thật là tuyệt vời, cùng chơi một em Cave một nhà thơ già thở ra giọng buồn bã bất lực, một nhà thơ kiêm phê bình gia (không còn trẻ nhưng sức chiến đấu chắc vẫn khá) lại thấy vui như mùa xuân về.

Thế mới thấy vai trò của Gái điếm quan trọng đến đâu, ảnh hưởng mạnh đến đâu đối với thi pháp cũng như cảm hứng của các nhà thơ Việt Nam. Xin chúc cho mối quan hệ hữu hảo giữa Gái Điếm và Thi Ca ngày càng bền chặt. Xin chúc cho các thi sĩ Việt Nam ngày càng có những chuyến đi thực tế hơn với các em Cave để thi ca Việt Nam thăng hoa như trên giường ngủ.

9/1/2006

Motminh_2006

Chào các bác!
Em xin giới thiệu em là lính mới tò te. Hôm nay vào đây đọc bài của các bác thấy hay đáo để. Các bác bình phẩm thi ca cũng nghiêng ngả nào kém gì những trang Văn nghệ chính thống ngạo nghễ với cái tựa lưng là Nhà nước và đạo đức giả cầy!!!
Loạt bài viết của Nguyễn Việt Hà, To Ti về các cô gái ăn sương là một thực trạng đau nhức đầy nhân văn. Cái nghề được coi là cũ nhất của loài người, về một mặt nào đấy, nó cũng gây lên những bi kịch đầy trắc ẩn. Chỉ những kẻ lẻo mép, lu loa lên án rẻ khinh với vỏ bọc nhân phẩm cho phụ nữ là đáng phỉ nhổ vì sau tràng diễn thuyết đó rất có thể tên lưu manh giả danh đồng chí kia lại mò đến một quán karaoké rẻ tiền nào đó ở khu vực Vọng!
Nguyễn Việt Hà vừa có cuốn tuyển thuyết “Khải Huyền muộn” khá hay. Cuốc sách cũng nói nhiều đến thế giới các nữ người mẫu, một nghề mà hiện nay ranh giới giữa nó với Cave thật khó phân biệt

Bác Cavenui có giọng văn quen quá, cả cái chữ ký của bác nữa. Hình như bên Vietnamnet bác ký là ” Đã đến, đã thấy và đã thắng!” bằng tiếng la-tinh, như thế mới đúng chất của Hoàng đế La Mã chứ nhỉ?

————

Ngoài topic

(từ topic Ních ca: https://tnxm.net/t227-2 )

10/1/2006

Cavenui

Trích nguyên văn motminh_2006

Bác Cavenui có giọng văn quen quá, cả cái chữ ký của bác nữa. Hình như bên Vietnamnet bác ký là ” Đã đến, đã thấy và đã thắng!” bằng tiếng la-tinh, như thế mới đúng chất của Hoàng đế La Mã chứ nhỉ?

—- hết trích—

Bác motminh2006 mới post 1 bài. Nhưng bác có nhã ý hỏi thăm em thì em xin tặng bác bài nick ca.

http://upload.thanhnienxame.net/1minh.mp3

Một mình 2006
Nhạc: Thanh Tùng
Hát: Mỹ Linh.

Nhân tiện trả lời luôn là em không lang thang ở Vietnamnet. Cái ông hoàng đế La mã Xê-da có chữ ký in trên 1 bao thuốc lá em có biết. Còn cái title Đã thấy-Đã nếm-Đã chán lại là chữ ký của nữ hoàng Xê-da-đi-anh.

3 bình luận to “Bài cũ post lại: Chủ đề cave trên tnxm”

  1. Goldmund said

    Bài của ToTi xuất sắc quá; không biết là cao nhân nào?

  2. Đinh Hỷ said

    Em ơi con bướm vườn Xuân ấy hay là cắt bớt chữ ư ở từ vườn đi nhỉ cho nó thêm ngạo.

  3. pq said

    Văn của bạn ToTi giống văn bạn Thảo chăn ngựa trên tnxm.

Bình luận về bài viết này