Cavenui

Đã thấy – Đã nếm – Đã chán

  • Thư viện

  • Bình luận mới nhất

    Adt trong Lại thêm 1 bài không phải…
    chucnguyen81 trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    vtdtfc trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Nina trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Cáo trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…

Bóng đá nội

Posted by cavenui trên Tháng Mười Một 30, 2011

Đội tuyển bóng đá VN, nói chính xác là đội U23, như các bác đã biết, vừa thất bại xi ghêm trở về. Các chuyên gia đang mổ xẻ thất bại, bao nhiêu phần trăm do lỗi ông HLV người Đức đẹp zai, bao nhiêu phần trăm lỗi các cầu thủ, bao nhiêu phần trăm lỗi hệ thống-ta cứ chờ theo dõi tiếp. Nhưng bên cạnh những phân tích chuyên môn thông thường, lần này trên một số báo có bóng gió đề cập đến nghi án tuyển thủ VN bán độ, mà trận đấu “có mùi” nhiều nhất là trận VN chỉ thắng Lào 3-1, khi lối đá của nhiều tuyển thủ bị coi là tệ hại và lối bày tỏ thái độ sau khi đội nhà ghi bàn của một số tuyển thủ bị soi là chưa đủ độ cuồng…

Cavenui không xem trận gặp Lào nên thật vô lý nếu khẳng định các tuyển thủ VN bán độ hoặc không bán độ. Nhưng nếu xét về động cơ thì em thiên về ý kiến cho rằng không có bán độ, thành tích thấp vì trình độ chưa cao, vậy thôi.

Thế hệ Văn Quyến (ảnh) bán độ vì trước đó, các vụ bán độ không được xử lý rốt ráo.

Thế hệ Văn Quyết bây giờ, ngược lại, đã có tấm gương của Văn Quyến để soi vào. 1 cầu thủ tài ba như thế, nhiều triển vọng như thế, chỉ vì vài đồng bán độ mà sự nghiệp đỉnh cao dang dở phũ phàng như thế. Nếu đã thấy thì phải biết đường mà tránh.

Đã thấy tấm gương Văn Quyến như thế mà vẫn quyết tâm bán độ thì chỉ có thể vì 2 lý do:

1/Tiền bán độ cực lớn, đủ để đánh đổi sự nghiệp cầu thủ

2/Việc bán độ được tổ chức cực tốt, nên rủi ro bị phát giác là cực kỳ thấp.

Bán độ từa tựa giống như bán mình, em điếm nào xinh xẻo ngon lành chắc chắn bán mình với giá cao hơn những chị già nua dúm dó. Nhớ ngày xưa thời cải tổ bên Liên Xô có mấy nhà văn chửi nhau, gã này bảo gã kia trước đây uốn cong ngòi bút bán mình cho chế độ, gã bị chửi liền đáp lại rằng tao bán vì tao bán được, còn ngữ mày có bán cũng đéo ai mua!

Đại khái thế. Trình độ, tầm ảnh hưởng của các tuyển thủ bóng đá VN phần lớn vô danh lần này, em nghĩ, ở mức, có bán cũng không bán giá cao được.

Vậy chỉ còn khả năng 2. Nhưng lưu ý rằng người ta chỉ chuẩn bị kỹ lưỡng khi thương vụ của người ta là 1 thương vụ lớn.

À cho kín lý thì còn 1 khả năng thứ 3 nữa: tiền bán độ không cao, đường dây bán độ không kín, đã biết gương Văn Quyến rồi nhưng nhiều tuyển thủ U23 lần này vẫn hùng hục bán, bởi vì chúng nó đầu đất.

*

Cùng bảng với Brunei, Philippines, Đông Timor và Lào, những đội bóng bị coi là lót đường, việc VN và Myanmar vào bán kết được coi là đương nhiên (trong khi bảng bên kia: đương kim vô địch Malaysia, chủ nhà mạnh Indonesia, vua khu vực Thailand và Singapore phải loại lẫn nhau) nên việc VN chỉ vào bán kết, sau đó không đoạt huy chương nào được coi là không có thành tích.

Mặc dù không có thành tích, nhưng do trước giải hứa rồi, nên chỉ cần vào bán kết các tuyển thủ đã có thể bỏ túi số tiền 1 tỷ tương đương 22 tấm HCV ở các môn khác, theo báo An Ninh Thủ Đô. Có phải đó là 1 sự bất công?

Đúng là bất công nếu so sánh sự nỗ lực của các vận động viên, so sánh thành tích mang lại cho nền thể thao.

Nhưng đó là 1 sự bất công giải thích được.

Bởi 1 lẽ đơn giản. Bao nhiêu người trong chúng ta dùng số tiền mua vé vào sân xem đá bóng (nam) để mua vé xem thi đấu những môn thể thao khác (kể cả bóng đá nữ, nếu có)? Bao nhiêu người trong chúng ta dành thời gian xem đá bóng (nam) trên tivi để xem thi đấu những môn thể thao khác (kể cả bóng đá nữ, nếu có)? Bao nhiêu người trong chúng ta đã ra đường phất cờ tổ quốc chào mừng chiến tích của thể dục dụng cụ VN hay chào mừng những chiếc huy chương vàng môn vovinam?

Trả lời xong rồi trả lời tiếp. Bao nhiêu doanh nghiệp cho rằng đầu tư cho các môn thể thao khác sẽ đánh bóng thương hiệu cho họ tốt hơn đầu tư cho bóng đá (nam), bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tài trợ các môn thể thao khác thay cho bóng đá (nam)? Và kết luận: tiền chảy vào đâu?

Cái này cũng từa tựa giống như so sánh 1 cô hoa hậu với 1 người đoạt giải thưởng khoa học. Cô hoa hậu kém hơn nhà khoa học mọi bề nhưng cô kiếm được nhiều tiền hơn vì được nhiều người quan tâm hơn.

Bất công. Nhưng là bất công giải thích được.

Và một khi anh giành vinh quang tiền bạc nhiều hơn người khác một cách bất công, thì anh phải chịu những ấm ức hơn người khác một cách bất công. Kiểu như Cavenui có loăng quăng với zai nào thì chỉ nhà chồng mắng thôi chứ xã hội không mắng, còn mấy em ca sĩ diễn viên thì sẽ thành mồi nhậu cho cả xã hội.

*

Ngược thời gian lên những giải đấu trước. Giải AFF năm ngoái hay giải Sea Games năm kia em chưa gúc để kiểm tra lại, đội VN của HLV Calisto cũng dừng bước ở bán kết, trong khi đội Indonesia do ông Riedl huấn luyện vào được chung kết. 2 đội này không có dịp chạm trán nhau.

Thử tưởng tượng 1 điều không có thật rằng VN bị Indonesia của ô.Riedl loại (và sau đó Indonesiacó HCV- tưởng tượng không bị ai đánh thuế!), liệu có ai trách ô.Riedl bạc tình bạc nghĩa với ViệtNam, 1 đất nước mà ông gắn bó hay không? Chắc không ai trách móc như vậy cả, người ta đều hiểu HLV chuyên nghiệp phải làm gì. Có chăng là trách môi trường bóng đá VN tệ hại nên vẫn chỉ ô.Riedl ấy thôi, khi sang Indo lập được thành tích mà gần chục năm cầm quân ở VN lại không có huy chương vàng…

Đẩy tưởng tượng đi xa hơn. Đội VN của Calisto bị loại bởi đội Philippines chẳng hạn, mà HLV đội này, ta cứ giả định là 1 người Việt, chẳng hạn ông Lê Thụy Hải. Liệu có ai trách ông Hải trổ hết tài thao lược để đánh bại đội bóng của tổ quốc ông là không yêu nước không? Có thể không nhiều người trách, nhưng bắt đầu đã có người trách rồi, em cá là như thế.

Đã tưởng tượng thì tưởng tượng hết cỡ đi. Tại 1 giải bóng đá khu vực châu Á, đội VN của Calisto vào đến chung kết, gặp đội Trung Quốc. Huấn luyện viên của TQ là ông Lê Thụy Hải (hoặc ông Vương Tiến Dũng, ông Nguyễn Thành Vinh… tùy các bác, nhưng là 1 ông VN) và TQ thắng. Các bác nghĩ sao? Ông Hải khi đó không chỉ bị trách, mà có khi còn bị chửi là phản quốc ấy chứ.

Nghĩa là có khá nhiều người gắn sự thắng bại của 1 cuộc chơi như bóng đá với màu cờ sắc áo, danh dự quốc gia.

Em nghĩ chơi gì thì cũng phải nỗ lực hết mình, chơi không hết mình thì anh không xứng là vận động viên chuyên nghiệp, bị chửi là đúng. Chứ  chuyện danh dự quốc gia với trách nhiệm công dân gì gì thì xin các bác tha cho.

Nhưng em cá là nhiều bác không tha. Và cuộc chiến tranh bóng đá giữa Honduras với El Salvador ngày nào, em đã hiểu.

5 bình luận to “Bóng đá nội”

  1. Goldmund said

    Cái cuộc chiến bóng đá giữa Honduras với El Salvador ấy nhờ đọc Kaspucinski em mới biết, nay lại thấy bác Cavenui nhắc, bác Cavenui quả là kỳ nữ!:)

  2. Lana said

    Viết quá sắc sảo mà vẫn nữ, Cav ui, nhất là mấy đoạn “bất công, nhưng là bất công giải thích được”.

    Đọc sướng ghê lắm 😀

  3. Nina said

    Mình cũng thích bài này của Cavenui, mặc dù mình thuộc loại thiểu số, thích xem các môn thể thao dở hơi kiểu như thể dục dụng cụ, trượt băng nghệ thuật 🙂

  4. Sơn said

    Mèo trắng mèo đen không thành vấn đề, miễn bắt được chuột là mèo tốt (Đặng Tiểu Bình). Thế vấn đề là ở con chuột, phải vậy không?

  5. phong said

    Đàn bà thì viết chuyện yêu đương lăng nhăng thì được chứ viết về bóng đá ( 1 lĩnh vực chuyên môn ) thì chả bao giờ cho ra hồn được. Giống như bình luận ca sĩ không bình luận giọng hát mà bình luận ăn mặc. Người Việt Nam thích bình luận, ai cũng giỏi, ai cũng đúng hết,…chả thấy ai sai cả. Bây giờ hỏi trong này vừa rồi VN vận hành với sơ đồ chiến thuật nào thì chắc không ai biết. Thế nên, từ chính trị, kinh tế, văn hoá.. ai cũng nói được nhưng không phải là chuyện cần nói.
    Chúc mừng các bạn, những nhà phê bình bẩm sinh.

Bình luận về bài viết này