Cavenui

Đã thấy – Đã nếm – Đã chán

  • Thư viện

  • Bình luận mới nhất

    Adt trong Lại thêm 1 bài không phải…
    chucnguyen81 trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    vtdtfc trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Nina trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Cáo trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…

20111015

Posted by cavenui trên Tháng Mười 14, 2011

Vài giả định

Cavenui là 1 doanh nhân nho nhỏ có 6 tỷ tiền vốn dắt lưng.

Cavenui có thể gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất 15%/năm (con số ngẫu nhiên phục vụ tính toán cho dễ, tuy nhiên cố tình để cao hơn mức lãi suất trần mới được nghiêm chỉnh thiết lập từ tháng 9/2011 )

Nếu vay vốn ngân hàng để kinh doanh Cavenui phải trả lãi suất 20%/năm (con số ngẫu nhiên phục vụ tính toán cho dễ, tuy nhiên cố tình để cao hơn mức lãi suất tiền gửi cho hợp logic với 1 margin lợi nhuận 5% cho ngân hàng để họ nuôi hệ thống nhằng nhịt của họ).

Cavenui quyết định bỏ 6 tỷ vào sản xuất kinh doanh.

Lợi nhuận kỳ vọng phải đạt tối thiểu phải là 900 triệu đồng/năm (tương đương lợi suất 15%/năm) vì nếu lợi nhuận dưới mức này thì việc kinh doanh là vô nghĩa, tốt nhất đem số tiền đó gửi ngân hàng hưởng lãi, đỡ nhức đầu lo lấy hàng ở cảng, thu hồi công nợ, đẩy hàng tồn kho, đỡ éo le tiếp khách ăn những món ăn khó đọc kiểu folie gras với cả truffle đắt vô lối mà không hợp với dạ dày tiêu chuẩn Việt Nam của những nhộng rang cà bát canh cua (câu này chế lại từ Nhị Linh), lại rủng rỉnh thời gian có thể đến Nhà hát Lớn xem nhạc trưởng Lê Phi Phi (tên ông này cũng mượn từ Nhị Linh nốt) chỉ huy hay đánh vần sách Kundera đã dịch ra tiếng Việt, hưởng thụ đời sống tinh thần sành điệu của giới tinh hoa trí thức.

Nếu lợi nhuận sau 1 năm kinh doanh đúng bằng 900 triệu thì coi như hòa vốn, nếu dưới 900 triệu là lỗ vì cái khoản lợi nhuận 900 triệu đồng lẽ ra sẽ có nếu không kinh doanh mà đem gửi ngân hàng (nhưng cuối cùng không có được do dại dột đi kinh doanh không gửi ngân hàng nữa) phải được coi như 1 thứ chi phí- chi phí cơ hội.

Bây giờ nếu hạ lãi suất tiền gửi xuống 14% thì chi phí cơ hội sẽ giảm đi, sau 1 năm kinh doanh Cavenui chỉ cần lãi trên mức 840 triệu là coi như thắng rồi.

Nhưng để kinh doanh OK, để mời anh hai chị ba ra nhà hàng Ý nhà hàng Mễ họ gật đầu đi cho, để không phải là con cá bé trên thương trường cho người ta ăn thịt, 6 tỷ đồng là không đủ mà tối thiểu cần có 10 tỷ. Vậy Cavenui phải vay ngân hàng 4 tỷ, như phần giả định đã nêu, phải trả lãi 20%/năm.

Phần 4 tỷ tiền vay này sau khi đưa vào kinh doanh phải mang lại lợi nhuận tối thiểu 800 triệu đồng. Nếu dưới mức này thì lợi nhuận không bù đắp nổi chi phí lãi vay, là lỗ.

Như vậy 10 tỷ bỏ vào kinh doanh phải mang lại lợi nhuận sau 1 năm tối thiểu là 900 triệu đồng+ 800 triệu đồng bằng 1,7 tỷ, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn 17%. Nếu anh làm ăn kiểu gì lãi dưới 17% là anh thua, đúng bằng 17% là hòa, trên 17% là phát.

Dễ dàng nhận thấy 17%< 20%, nhưng vì đã tính bình quân gia quyền với phần vốn tự có giá vốn 15%, nên người ta sẵn sàng đi vay với lãi suất 20%/năm dù lợi suất chỉ là 17%. Cần rạch ròi như thế vì đâu đó Cavenui đọc được ý lãi suất đi vay 20% cao thế làm ăn gì cho có lãi trên 20% ngoài buôn ma túy buôn vũ khí với buôn quan bán tước hả giời. Thật ra Cavenui đâu cần lãi 20% đâu, chỉ cần 17% là thắng. Rạch ròi thế để viết lách cho chuẩn chỉnh thôi chứ lãi 15% đã khó nói gì đến 17%.

Bây giờ nếu hạ lãi suất tiền gửi xuống 14%, kéo theo lãi suất tiền vay xuống 19% thì mức lợi nhuận tối thiểu phải đạt sẽ giảm từ 1,7 tỷ xuống 1,6 tỷ/năm, nhiệm vụ của Cavenui nhẹ nhàng hơn nhiều.

***

Cho nên Cavenui, dưới tư cách 1 doanh nhân nho nhỏ, hoan nghênh việc hạ lãi suất mà Tân thống đốc đang ráo riết làm. Song, nếu lãi suất không hạ được làm cho kinh doanh khó khăn, thì Cavenui với tư thế của 1 người giàu, cũng không lấy làm phiền. Vẫn còn 1 lối đi: đẩy xong đống hàng tồn là rửa tay gác kiếm, đem tiền gửi ngân hàng hưởng lãi. Người chịu thiệt hại lúc này không phải là Cavenui mà là những đồng chí công nhân nghèo bị Cavenui ngậm ngùi cho nghỉ việc vì thời thế thế thời phải thế dẫu tình thương nhân loại của cô chủ nhỏ vẫn rất dồi dào.

Báo chí nước nhà khi bình luận kinh tế, chỉ thấy ông chủ là ông chủ, doanh nhân là doanh nhân, mà không thấy đằng sau họ là những người công nhân làm công cho họ. Doanh nhân gặp khó thì công nhân khốn đốn, doanh nhân nhảy lầu thì công nhân chết đói trước tiên. Cho nên không lạ khi ở Tây Ban Nha, Hy Lạp… người ta làm reo phản đối thắt lưng buộc bụng (dù đứng trên quyền lợi chung của nền kinh tế về lâu về dài, những chính sách khắc khổ là cần thiết) thì ở Việt Nam, báo chí lại đột nhiên văn minh lạ thường, không dân túy lạ thường khi luôn chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu chưa được làm triệt để.

Báo chí nước nhà la rầm trời chuyện hạ lãi suất tiền gửi vì họ đứng trên quyền lợi chính đáng của những người gửi tiền ở ngân hàng. Những người công nhân nghèo làm vừa đủ ăn chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện thừa tiền rủng rỉnh gửi ngân hàng không thuộc giới này, nhưng họ, như xưa nay vẫn thế, chưa bao giờ là người đặt hàng cho các nhà báo.

Cái gì đáng sợ hơn, lạm phát cao hay tình trạng suy thoái? Với những người làm công trong hệ thống hành chính nhà nước, với các nhà báo, nhà kinh tế lý thuyết ở các trường vụ viện không lo thất nghiệp vì công ăn việc làm đã được đảm bảo, lạm phát đáng sợ hơn vì rõ ràng mức sống của họ bị hạ xuống khi đồng lương vẫn thế mà giá cả lại tăng.

Với những người công nhân nghèo thì cả lạm phát và suy thoái đều đáng sợ nhưng suy thoái đáng sợ hơn lạm phát. Lạm phát có thể làm bữa cơm của họ từ có thịt chuyển sang cơm rau, làm đồng lương của họ bị bào mòn, còn suy thoái sẽ làm cho họ từ chỗ có cơm ăn thành không còn cái gì để ăn nữa, từ chỗ có lương thành không còn 1 đồng lương nào nữa (vì bị thất nghiệp). Nếu lạm phát làm họ ăn không no, thì suy thoái làm họ chết đói.

Đó là chưa nói chuyện có thể nền kinh tế rơi vào tình trạng đình lạm (stagflation) vừa lạm phát cao vừa suy thoái, khi mà: suy thoái làm sản xuất sụt giảm-> không có hàng hóa cung ứng ra thị trường-> tiếp tục mất cân đối tiền, hàng-> lạm phát không thể chặn được.

Những vụ đổ vỡ tín dụng đen nho nhỏ vài trăm tỷ đến vụ một loạt ngân hàng dính chưởng nghìn tỷ mà bây giờ mới he hé một phần là khúc dạo đầu bi tráng của 1 tình trạng khốn khó hơn nhiều so với năm 2008 chưa xa.

Chờ xem.

***

Ảnh: biểu tình ở Hy Lạp

11 bình luận to “20111015”

  1. giangle said

    Phần đầu bác tính cost of capital có thể đúng ở VN nhưng không đúng ở nhiều nước khác. Đa số các nước có cost of debt nhỏ hơn cost of equity, bởi vậy các doanh nghiệp mới đi vay (leverage) ở mức cao nhất có thể. Nếu cost of capital thấp hơn cost of debt thì người ta sẽ đi huy động equity (phát hành trái phiếu, kêu gọi partner) chứ không đi vay ngân hàng làm gì. Thông thường cost of equity lớn hơn lãi suất tiền gửi nhiều (ít nhất phải dựa vào lãi suất đi vay chứ không phải lãi suất gửi tiền) vì còn phải tính đến rủi ro.

    Phần hai quan điểm của bác cho rằng đối với người nghèo suy thoái (dẫn đến thất nghiệp) đáng sợ hơn lạm phát cũng có thể đúng ở VN vì hệ thống bảo hiểm xã hội rất yếu. Nhưng suy thoái sau vài năm sẽ chấm dứt chứ lạm phát nếu không kiên quyết chống có thể sẽ kéo dài và càng ngày càng tệ hơn. Bởi vậy xét trên tổng thể xã hội về lâu dài thì chấp nhận suy thoái vài năm chưa chắc đã là phương án tệ, thậm chí nếu cứ dùng dằng để lạm phát kéo dài nền kinh tế sẽ rơi vào stagflation như thời 1980. Tất nhiên nếu hàng nghìn tỷ đồng chi tiêu công (tượng đài, bảo tàng, lễ hội…) được chuyển sang trợ cấp cho người nghèo thì tốt hơn.

  2. Mộng Mỵ said

    nhờ bạn Núi mà mình hiểu hiểu chút chút, :P. cảm ơn người cave nhân dân cái, thơm, thơm

  3. cavenui said

    Trước khi trao đổi với các bác giangle và Mộng Mỵ em điểm qua 1 bài viết trên blog bác Nguyễn Vạn Phú-thư ký tòa soạn TBKTSG, 1 người thân quen với bác giangle và có tên trong blogroll của em.

    Trong bài Hiểu nhầm, bác Phú cũng cho rằng 1 DN vay ngân hàng với lãi suất trên 20% không nhất thiết phải lãi trên 20% (giống quan điểm của em đã nêu trong bài), nhưng lập luận của bác Phú thì khác.

    Bác Phú lập luận rằng lợi nhuận của DN là sau khi đã trừ chi phí lãi vay rồi, nếu lãi sau thuế là 5% thì dù trước đó họ vay đến 25% thì họ vẫn cứ là lãi 5%, lỗ gì mà lỗ. Lập luận này là đúng tuy nhiên có vẻ như bác Phú và những người bác muốn đối thoại không nói cùng 1 ngôn ngữ.Vì những người kêu ca (sai) rằng phải làm ăn sao cho lãi trên 20% không có ý nói cái lãi đó là “lãi sau thuế”.

    Lợi nhuận. Tiếng ta có nhiều kiểu lợi nhuận: lợi nhuận gộp, lợi nhuận thuần, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế… Tiếng Tây cũng có đủ kiểu earmings; EBITDA, EBIT, EBT (lợi nhuận trước thuế), EAT (lợi nhuận sau thuế)… Ta đang nói chuyện lợi nhuận nào?

    Ví dụ em là nhân viên phòng thuế, cái lợi nhuận mà em nhòm vào doanh nghiệp là cái EBT. Còn nếu em là nhà đầu tư muốn mua cổ phần doanh nghiệp thì tất nhiên em quan tâm đến EAT để xem chia bánh thế nào.

    Nếu em là chủ 1 DN nhỏ, tất nhiên cái đích cũng là EAT, nhưng cái mà em nhẩm trong đầu trước tiên, trước khi bắt tay vào thương vụ là EBIT. Giả dụ em làm thương mại (cho đơn giản). Người ta bảo em “mua 5 bán 10”, thì cái phần chênh lệch giữa 10 và 5 chắc chắn không phải là EAT. Phần chênh lệch đó sau khi trừ đi chi phí lãi vay, thuế má… mới ra lợi nhuận sau thuế. Mà nếu em làm thương mại thì cái em nhẩm ngay đầu tiên khi bắt tay vào thương vụ chính là cái chênh lệch giữa 10 và 5 này. Còn sau đó thấy quy mô thương vụ hơi to cần phải đi vay v.v, em mới tính toán các lợi nhuận khác, không nhẩm nữa mà phải đặt phép tính, ít ra là trong excel. Thế thì cái lợi nhuận người ta đem so với lãi vay, ít nhất cũng là EBIT, lợi nhuận trước thuế và lãi.Giả dụ em mua 9,5 bán 10 thì đương nhiên đi vay ngân hàng 20%/năm là phải hết sức cân nhắc.

  4. cavenui said

    Bây giờ là ý kiến bác giangle: ở các nước (có thể VN thì khác) cost of equity lớn hơn LS tiền gửi nhiều. Em bổ sung là cả ở VN, lẽ ra cũng thế. Nhất là với các Cty có thể huy động vốn trên TTCK. Tuy nhiên ở bài này, em-1 doanh nhân biết chia sẻ với cộng đồng trong thời buổi khó- đã minimize cái tham vọng của mình hehe. Em chỉ cần khiêm tốn thế thôi, nhưng đó là mức tối thiểu rồi, làm ăn mà lãi còn thấp hơn cả gửi tiền ngân hàng nữa thì làm làm gì phỏng ạ. Thế nhưng thời buổi khó, có khả năng EBT thấp tè thật, nếu “lãi suất thực dương”, có khi lại gửi quách tiền vào nhà băng cho xong!

    Ý 2 của bác về vĩ mô, em không làm vĩ mô nên em không phản đối. Khi viết về Tây Ban Nha hay Hy Lạp em cũng bảo: dù đứng trên quyền lợi chung của nền KT về lâu về dài, chính sách khắc khổ là cần thiết. Các chuyên gia có thể tính toán đã đến lúc nới lỏng chút chút hay chưa, hay tiếp tục thắt chặt tiền tệ…, em không đủ tầm nhìn vĩ mô nên không phán được.

    Em chỉ ngạc nhiên là báo chí nếu “dân túy” (như họ thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác) thì lẽ ra rải rác đâu đó phải thể hiện quan điểm ủng hộ “nới lỏng”. Nhưng ở ta thì “văn minh” lạ thường, “không dân túy” lạ thường (nghĩa là biết nhìn quá sâu xa, quá về lâu về dài, nhìn rất chi là toàn cục, vĩ mô etc.)-1 điều hơi lạ.

    Cho nên nói luôn với bác Mộng Mỵ là bài viết của Cavenui ít nhiều phản ánh quan điểm của 1 giới mà Cavenui thuộc về, nghĩa là, nhìn toàn cục, chưa chắc đã đúng đâu hehe.

  5. Thaothucsg said

    Để tớ hỏi thăm vài doanh nhân rồi về buôn với bạn Núi nhá!

    Góc báo chí thì tớ thấy thế này: các nhà báo của chúng ta đếch có thực tế, thiếu những hiểu biết căn bản về kinh tế (và cả những lĩnh vực khác) vì chỉ học bằng báo chí chứ ít có bằng chuyên môn. Thứ nữa là các nhà báo viết về mảng kinh tế thường bị “trói” bới giới doanh nghiệp, hay nhìn lên chứ ít khi chịu nhìn ngang hay nhìn xuống. Tờ báo uy tín như báo anh Vạn Phú làm TKTS cũng chả có mấy phóng viên, biên tập viên giỏi ở các mảng, miếng trên lĩnh vực kinh tế!

  6. Mr. Do said

    Em thì hiểu thế này, khi một doanh nghiệp nói họ làm ăn lãi 1% (trước thuế hay sau thuế bàn sau), thì ta hiểu ít nhất cái lãi này là sau khi đã trừ đi các chi phí (bao gồm cả lãi suất tiền vay ngân hàng). Nếu đây là lãi sau thuế thì họ hưởng trọn, còn là lãi trước thuế thì họ phải nộp thuế cái đã.

  7. cavenui said

    Nó như thế này đồng chí Đỗ này. Vắn tắt thôi:

    Tiền bán hàng, dịch vụ mình gọi là doanh thu
    Doanh thu trừ đi giá vốn hàng bán, chi phí quản lý, chi phí bán hàng…, nói chung là các kiểu chi phí trên đời nhưng chưa tính thuế và lãi vay-> ra cái gọi là lợi nhuận (lãi) trước thuế và lãi vay, tiếng tây gọi tắt là EBIT (earnings before interest and taxes).
    EBIT trừ đi lãi vay ra EBT (lợi nhuận trước thuế)
    EBT trừ đi thuế thu nhập ra EAT (lợi nhuận sau thuế)
    EAT trừ tiếp đi phần chia cổ tức, trích lập quỹ các kiểu ra lợi nhuận giữ lại (lãi chưa phân phối) để tiếp tục bỏ vào kinh doanh.

    Thật ra, khi người ta nói “làm ăn gì cho lãi 20% để trả nổi lãi vay ngân hàng” thì đương nhiên 20% vế đầu phải ngầm ý làm ăn gì để lãi trước khi trả lãi ngân hàng đạt 20%. Nó mới có ý nghĩa. Lúc đó người ta ý nói đến EBIT.

    Chứ nếu sau khi trả được lãi vay ngân hàng rồi, lợi nhuận còn lại là 1% hay 0.1% thì đúng như bác Phú nói, vẫn là có lãi và chẳng ai lại lập luận dở hơi thế cả.

  8. Mr. Do said

    Cảm ơn bác! Em rất ngu về kinh tế và đó là lý do tại sao tới giờ vẫn nghèo!

  9. Quan điểm của ông Bùi Kiến Thành xưa nay giúp tôi rút ra 1 kết luận là chuyên gia tài chính chưa hẳn là chuyên gia chính sách tiền tê. Cụ thể quan điểm ông Thành là: Cơ cấu nợ vay ở các nước phát triển là 80% vay tiêu dùng, 20% vay sản xuất kinh doanh. Do đó, nâng lãi suất thì tiêu dùng giảm ngay, cầu giảm, dẫn đến lạm phát giảm theo điều hành. Còn ở VN thì ngược lại 20% vay tiêu dùng, 80% cả sxkd & đầu cơ. Nâng lãi suất tiêu dùng không giảm nhiều, mà chỉ làm tăng gánh nặng chi phí sản xuất, đình trệ sx, lạm phát sẽ càng tăng. Nếu nó có giảm CPI thì thực chất chỉ ăn vào sức khỏe dân nghèo (lao lực, thiếu đói), ăn vào an ninh XH…. Do đó VN bắt buộc phải điều hành giảm mạnh lãi suất. Ngoài ra công cụ thứ 2 của NHNN về hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ có tác dụng khống chế cho vay BDS, và khống chế lạm phát (thừa tiền). Còn nếu người có tiền gởi rút ra mua bds thì chả sao bởi vì không phải tiền vay, không phải phải đòn bẫy thì sẽ không có bong bóng. Nếu cứ duy trì lãi suất cao (không bơm tiên), thì cuộc đua lãi suất không bao giờ chấm dứt. Vì họ cứ làm do đã có lợi ích nhóm bảo kê.

  10. Em trả nợ bác nhá! 🙂

    http://thaothucsg.blogspot.com/2012/03/tai-co-cau-nen-kinh-te-viet-nam-se-i-ve.html

Bình luận về bài viết này