Cavenui

Đã thấy – Đã nếm – Đã chán

  • Thư viện

  • Bình luận mới nhất

    Adt trong Lại thêm 1 bài không phải…
    chucnguyen81 trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    vtdtfc trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Nina trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Cáo trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…

Khoe và Giấu

Posted by cavenui trên Tháng Mười 6, 2007

GiangUyen-PhanKhoi

I

Ảnh: Người con gái nằm võng trong bức ảnh màu là cô Ngô Thị Giáng Uyên (lấy từ trang web riêng của cổ)- Ông cụ già đang đọc tham luận trong hội thảo Lỗ Tấn ở bức ảnh đen trắng là cụ Phan Khôi.

Ghép ảnh họ cạnh nhau vì Cavenui bắt đầu câu chiện bằng cách nhắc đến họ.

 

Ngô Thị Giáng Uyên là 1 cô gái trẻ “thời đại @”, giỏi giang thành đạt đã uống cà phê ở nhiều nước Âu châu, tác giả những bài viết hồng hồng tím tím được tập hợp thành cuốn du ký “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” in ở NXB Trẻ.

Phan Khôi là 1 trí thức lớn và đơn độc (Tú Sơn, tout seul) thời tiền chiến, chịu nhiều bầm dập thời dân chủ cộng hòa, Cavenui đã nói về ông trong bài “Danh sĩ Việt dưới mắt Ve” tháng trước.

Có gì giống nhau giữa 2 con người rất khác nhau về tầm cỡ và số phận này?

Có một thứ nho nhỏ.

 

Trong bài “Đi tìm dấu vết The Beatles” ở cuốn Oải hương, cô Uyên dịch lời bài hát Penny Lane của The Beatles như sau: “Phía sau căn chòi nhỏ ở chính giữa giao lộ, cô y tá xinh đẹp đang bán hoa thuốc phiện (*) trên 1 cái khay”. Ký tự * báo hiệu chú thích ở cuối bài. Chú thích: “Bài báo này được đăng trên Tuổi trẻ chủ nhật số 23-10-2004, 1 tuần sau tôi được biết chữ poppies trong bài hát không phải hoa thuốc phiện (còn gọi hoa anh túc) mà là 1 loại hoa vải có hình dáng và màu sắc như hoa anh túc, được bán trên đường phố trong khoảng thời gian đầu tháng 11 hằng năm ở Anh để gây quỹ cho quân đội hoàng gia Anh…

Bài báo từ tận năm 2004, còn sách in năm 2006. Thông thường báo là thứ người ta đọc 1 lần rồi quên đi nên nếu cô Uyên cứ len lén sửa lại bản dịch bài hát Penny Lane cho đúng rồi in vào cuốn Oải hương thì người đọc sẽ không biết cô đã từng hiểu sai lời bài hát này. Còn nếu muốn an toàn thì cô Uyên ghi ngày tháng ở cuối bài theo kiểu “viết lần đầu ngày…, sửa chữa bổ sung ngày…”, những người có giữ bài báo cũ cũng chẳng bắt bẻ cô được. Nhưng cô Uyên không len lén sửa, không len lén giấu chuyện cô đã từng hiểu sai. Và đó chính là cái thứ nho nhỏ cô Uyên giống cụ Phan Khôi.

 

Năm 1954 Phan Khôi xuất bản cuốn “Việt ngữ nghiên cứu” (NXB Đà Nẵng tái bản năm 1997), tập hợp những bài viết đã được Hội Văn hóa VN in ly-tô hay ty-pô trong những năm kháng chiến trước đó. Dưới mỗi bài viết thường có phần “Viết thêm về sau”, tức là sau khi đã in lần đầu, Phan Khôi thấy có gì cần bổ sung, sửa đổi thì ông thêm vào. Không ít bài cái phần “viết thêm về sau” này đã sửa lại những cái sai trong “phần viết chính”.

Ví dụ như phần “viết thêm về sau” bài “Phân tích vần quốc ngữ”:

Đính chánh:

Đầu bài này nói: Gọi là “Vần quốc ngữ”, thật không có nghĩa gì cả, vì đó chưa phải là vần.

Câu ấy tôi đã nói sai.

Vì cuối bài, chính tôi đã nhận rằng, a, uy, ong là gốc vận, thêm phụ âm đứng đầu: ba, cà, pha… huy, chùy, truy… bong, còng, long… là vận, vậy thì vần xuôi ba, ca, da vần ngược ac, ăc, âc… tức là vận gốc vận, tức là vần chứ gì. Trong vần quốc ngữ, 23 tự mẫu, 12 nguyên âm và 5 dấu là phụ, mà vần xuôi ngược là chính, cho nên gọi là “Vần quốc ngữ” đúng lắm, sao lại bảo là vô nghĩa được?

Sau khi viết bài này hơn một năm, tôi mới biết mình đã nói sai, nhưng không muốn chữa hẳn nguyên văn mà viết mấy lời đính chánh theo đây.

(5-2-1950)
Rất nhiều bài được Phan Khôi đính chánh tương tự.

 

Đọc lần đầu thì cảm nhận đầu tiên của Cavenui về cụ Phan Khôi và cô Ngô Thị Giáng Uyên là họ rất sòng phẳng. Nghĩ thêm một chút lại thấy họ hơi gàn: nếu là Cavenui, Cavenui cứ sửa ngay vào bài, không cần nhắc lại cụ thể trước đây mình đã sai thế nào, chỉ ghi trong lời nói đầu là có chỉnh sửa những cái sai, như thế vẫn là trung thực mà người đọc lại đỡ mệt.

Nhưng nghĩ thêm một chút nữa thì thấy họ không gàn chút nào: cách viết trên có thể coi là một dạng Khoe, khoe mình đã dần dần tiếp cận kiến thức đúng như thế nào, đã hiểu biết thêm, đã sửa sai như thế nào.

Khoe như thế không có gì là xấu, vì thứ mà cô Uyên và cụ Phan đem khoe đúng là đáng để khoe thật.

Khoe như thế đặc biệt không xấu còn vì, thời nay, người ta thường không khoe thế, mà thường len lén giấu đi những gì họ đã viết sai, nói sai trong qu
á khứ.

 

II

Những ví dụ về các nhân vật nổi tiếng đời nay len lén xóa dấu vết những sai lầm trong quá khứ không khó tìm lắm, tuy nhiên do không ghi chép lại nên Cavenui không kể ở đây, vì không có bằng cớ đi kèm.

Chỉ còn giữ lại 1 cuộc thảo luận trên diễn đàn tathy năm 2004 về chuyện tái bản sách, khi đó Cavenui mới gia nhập diễn đàn này, cưa sừng làm chã chưa dám luận gì nhiều, chỉ kể lại 1 câu chuyện về tái bản các tác phẩm của nhà phê bình Như Phong và những người làm công tác tái bản (Như Phong hoàn toàn vô can vì ông đã chết rồi) đã len lén xóa bớt những câu văn của Như Phong ngày xưa vì bây giờ đọc lại chúng rất chi là… khó đọc.

Cuốn sách “Bình luận văn học 1958-1963” của Như Phong, in tại NXB Văn học 1969, có bài “Về mấy khuynh hướng phức tạp trong văn học gần đây (Góp ý với các đ/c có trách nhiệm ở báo Văn)” của Như Phong trong “đợt đấu tranh cuối cùng chống bọn phá hoại Nhân văn Giai phẩm” có đoạn như thế này:
…Chính trên báo Văn đã đăng 1 bài thơ của Phùng Quán, bài “Lời mẹ dặn”, nó thật ra là lời tuyên ngôn của cái khuynh hướng văn nghệ lạc loài đó.

“Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu/ Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ Chân thật trọn đời…”

Cái nguy hại của khuynh hướng này là nó tự nhận là “chân thật”, là “dũng cảm” nói sự thật… Nhưng ai cũng biết nội dung của sự chân thật là tuỳ theo giai cấp này hay giai cấp kia mà khác hẳn nhau… Nếu anh đứng về phía các giai cấp bóc lột thì anh chỉ có thể thấy chế độ của ta, cách mạng của ta là “mất tự do” là “độc đoán” là “đáng ghét” mà thôi, và theo cái nhìn chủ quan đó thì cái gì cũng “hỏng” cũng “xấu” cả… Phùng Quán đã đứng về lập trường nào mà yêu, ghét? Lời kêu gọi của Phùng Quán có nghĩa là những ai ghét cái chế độ cách mạng này thì đừng sợ gì cả, cứ việc bôi đen nó, cứ việc vu cáo, xuyên tạc nó đi, như thế mới là “anh hùng”!… 

(Bài Lời mẹ dặn như thế nào, bác nào chưa biết thì chịu khó gúc)

Nhiều năm sau, năm 1994, NXB Văn học có in bộ Tuyển tập Như Phong đồ sộ, 1 lần nữa khẳng định đẳng cấp của phê bình gia này. Tập 2 đăng lại bài “Về mấy khuynh hướng…” nhưng cái đoạn Như Phong đả kích Phùng Quán chẳng thấy đâu cả! Hay là lý trưởng bớt đi rồi?

 

1 trong những “đối tượng” hay xóa dấu vết vào bậc nhất ở VN là các báo điện tử. Báo in ra rồi thì đành chịu, chứ báo điện tử khi lỡ post 1 bài có vấn đề, rất hay có trò sau đó xóa béng đi. Các diễn đàn thì khá hơn vì thường chỉ có admin mới xóa được. Còn yahoo 360 độ thì rất dễ xóa, hoặc sửa mà không ai biết là sửa vì không thể hiện ngày edit bài.

 

III

Có 1 dạo báo chí VN chỉ trích HLV đội tuyển bóng đá VN, ông Alfred Riedl rất ghê, nào là bảo thủ trong chiến thuật, nào là thiếu mạnh dạn sử dụng nhân tố mới, blah blah.

Nhưng LĐBĐVN vẫn tin tưởng ông Riedl, giao cho ông nhiệm vụ cầm quân tại Asian Cup vừa qua.

Lý do có thể là các quan chức Liên đoàn đã vào đọc bài trong blog của Cavenui.

Vì ngay từ 1/7/2006, Cavenui đã dự đoán:

Tháng 7 năm tới bóng đá VN sẽ lập 1 chiến tích lớn. Dưới sự dẫn dắt của HLV Riedl, đội VN sẽ thi đấu rất xuất sắc trước các đội tuyển bóng đá từ vùng Vịnh vốn được coi là thuộc 1 đẳng cấp hơn hẳn bóng đá VN và VN sẽ là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt vào tứ kết Asian Cup.

http://blog.360.yahoo.com/blog-i.U6an4yerAX8Y8GHAJtCrw-?cq=1&p=13

Kết quả đúng như dự đoán của Cavenui.

Muốn biết phần III này liên quan gì đến phần I và II, đọc comment sẽ rõ.

6 bình luận to “Khoe và Giấu”

  1. Thieu_iot said

    Đâu đâu đâu? Em thấy comment nào đâu? 😀 Nhưng em đoán ra zzồiii

  2. Cavenui said

    Phần III này liên quan đến 2 phần trên ở chỗ: ngày 1/7/2006 Cavenui không dự báo được như thế. Cavenui viết cái khác, bây giờ (khi đã có kết quả đá bóng Asian Cup rồi) mới vào edit lại entry viết từ năm ngoái. 360 độ yahoo không thể hiện sự sửa bài.
    Nguyên văn bài cũ thế này (vì nó rất vớ vẩn nên Cavenui dùng làm đất để tập trận):
    thanhnienxame.net
    Hôm nay giống như hôm kia, lại bị down.
    Tình trạng chắc sẽ khôi phục được, copy mấy dòng này làm tư liệu:

    Kính thưa các loại chã hay lang bang vào Thanh niên xa mẹ !!!

    Anh nhỡ tay xử cụ mất cái diễn đàn của các chú , nhỡ tay là một phần, phần nữa là anh đ..’o thể ngửi được cái kiểu ti toe văn hóa chửi tục của các loại trí thức nửa mùa thích sĩ diện và ra vẻ ta đây tài cán. Loại chứng ăn tục nói phét đã chuyển thàn bệnh dễ gây lây lan cho bao thanh niên lành tính bản chất nông dân, bao thiếu nữ từ bỏ sự e thẹn thùy mị để biến thành một mụ đàn bà dơ dáng lăng loàn.
    Anh khuyên thật các chã hãy giác ngộ, cải tà quy chánh trước khi quá muộn, các chã hứa với anh sẽ không mất nết và không học đòi thói khệnh khạng rởm đời nữa thì anh sẽ lại khôi phục cái diễn đàn củ chuối này cho các chã có chỗ bốc phét hí hoáy rỗi hơi giết thời giờ, gái trai cưa cẩm đục đẽo nhau.

    Anh.
    Hiệp khách giang hồ ( doi.lang.bat.bietdaulanha@gmail.com )
    @Các em gái: quay đầu là bờ, hãy trở về bản chất trong trắng thơ ngây của các em, anh sẽ bỏ qua hết mọi lỗi lầm… và thâm tâm sẽ luôn hướng về các em với sự tôn trọng yêu thương thánh thiện nhất .

  3. Cavenui said

    TIO comment nhanh quá. Cái này giang hồ gọi là bóc tem.

  4. Tác giả Cavenui là Trạng Trình tái thế sao?

  5. Thế cụ bẩu các văn kiện ĐH sau này in lại có edit ko?

  6. Thieu_iot said

    Há há, đoán không sai mà.

Gửi phản hồi cho Thieu_iot Hủy trả lời