Cavenui

Đã thấy – Đã nếm – Đã chán

  • Thư viện

  • Bình luận mới nhất

    Adt trong Lại thêm 1 bài không phải…
    chucnguyen81 trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    vtdtfc trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Nina trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…
    Cáo trong Vĩnh biệt bà con, Cavenui xuốn…

Đọc báo 1/2007

Posted by cavenui trên Tháng Một 30, 2007

– “Các vấn đề quốc tế” số 1/2007

“Các vấn đề quốc tế” là 1 ấn bản hàng tháng của Thông tấn xã Việt Nam, bán công khai ở các quầy báo. Ấn bản này gồm các bản dịch một số bài báo nước ngoài, với xu hướng gần đây là hạn chế biên tập, giữ nguyên nội dung “bọn tây nó nói”, cho dù “bọn nó có thể nói rất phản động”. Chẳng hạn bài phỏng vấn dưới đây, nếu tịnh tiến các sự kiện và nhân vật xuống phía Nam một chút thì có mà “từ mẫu”…

Phải chăng chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc bắt đầu kết thúc

(bài của nhà báo Marie Holzman phỏng vấn nhà sử học TQ sống ở Pháp Trần Ngạn, đăng trên tạp chí Politique Internationale số 112-2006, TTXVN trích dịch-Cavenui trích lại lần nữa)

– Trải qua 25 năm cải cách KT, 15 năm sau sự cất cánh ngoạn mục của nền kinh tế TQ, Đảng Cộng sản vẫn nắm độc quyền. Suy nghĩ phổ biến trong các giới chính trị phương Tây cho rằng sự giàu lên của dân chúng tất yếu sẽ dẫn đến dân chủ. Ông tin như vậy chứ?

– Không. Các con số dưới đây là bằng chứng: GDP của TQ từ 200 tỷ USD năm 1978 đã đạt tới 2700 ỷ USD năm 2005. Thặng dư thương mại vượt 102 tỷ USD và dự trữ ngoại tệ ước gần 820 tỷ USD, ngang với Nhật. Nhưng những thành tích tuyệt vời đó không đem lại dân chủ.

Các nhà lãnh đạo TQ đã chấp nhận nguy cơ phát triển xu hướng làm giàu bất bình đẳng trong dân chúng. Trong năm 2005, thu nhập trung bình của người dân thành thị là 1310 USD, còn ở nông thôn chỉ là 405 USD. 10% số dân nghèo nhất TQ chỉ nắm 1% nguồn của cải quốc gia, trong khi 10% số người giàu nhất chiếm tới 50%. Theo tạp chí Forbes tháng 3/2006, TQ có thể có khoảng 150 tỷ phú, ở cực đối lập có gần 60 triệu người dân sống dưới mức nghèo khổ.

– Tình trạng này có vẻ vô lý ở 1 nước vẫn không chịu giở qua trang chủ nghĩa CS?

– Người TQ cuối cùng cũng phải nhận thức rằng họ cần xem xét lại dự án phát triển xã hội và tìm cách giảm bớt bất bình đẳng và bất công. Tuy nhiên những vấn đề xã hội vẫn bộc lộ rõ ràng trước mắt chúng ta. Những người biểu tình có ở khắp nơi: họ tập trung trước các cơ quan hành chính địa phương, các nhà máy quốc doanh sắp được giải tán. Họ chiếm giữ các đồn cảnh sát, nhà bưu điện…, đòi quyền có việc làm, chống tham nhũng, bất công… Người dân TQ không dám xuống đường biểu tình về chính trị nhưng họ không ngần ngại khi đó là những đòi hỏi về kinh tế.

Theo thống kê của Bộ Công an, các vụ “gây rối trật tự công cộng” đã tăng từ 58.000 vụ năm 2003 lên 74.000 vụ năm 2004 và 87.000 vụ năm 2005. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tỏ ra bức xúc về vấn đề này tại cuộc họp hàng năm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc 3/2006. Theo ông, nguyên nhân các cuộc biểu tình là do các chính quyền địa phương đã tịch thu ruộng đất của nông dân để xây dựng các nhà máy mới mà không đền bù cho việc họ bị mất công cụ lao động.

Tình hình trở nên căng thẳng hơn vì phần lớn người dân TQ không còn khả năng làm giàu. Đặng Tiểu Bình đã hứa: “Một bộ phận dân chúng sẽ giàu lên trước, rồi những người khác sẽ giàu theo”. Ước mơ này quả thực từng là động lực trong một thời gian dài nhưng bây giờ thì hết. Trước đây, dưới sự thúc đẩy của Đặng Tiểu Bình, vùng nông thôn thoát khỏi gông cùm công xã do Mao Trạch Đông dựng lên, các hoạt động kinh tế được đa dạng hóa, chính quyền địa phương khuyến khích mở các xưởng thủ công nhỏ, các xí nghiệp chế biến nông sản v.v. Nhưng từ giữa những năm 90, bộ đôi Giang Trạch Dân- Chu Dung Cơ đã chuyển hướng nền kinh tế TQ về phía các vùng duyên hải và các thành phố lớn.

– Chẳng phải chính quyền hiện nay vẫn có ý định giúp đỡ vùng nông thôn đó sao?

– Đúng vậy. Từ cuối 2004, Nhà nước đã miễn những khoản thuế từ bao thế kỷ nay đè nặng lên người nông dân. 3/2006, thủ tướng Ôn Gia Bảo thông báo CP sẽ dành 42,3 tỷ USD (tăng 14,2% so với 2005) cho phát triển hạ tầng nông thôn và các dịch vụ xã hội, ông cũng hứa sẽ trợ cấp trồng cây lương thực. Các trưởng thôn từ nay được hưởng lương cho công việc quản lý. Tóm lại chúng ta đang ở trong 1 giai đoạn bản lề mà ở đó, mối tương quan giữa thành thị và nông thôn đang thay đổi sâu sắc.

– Những người giàu nhất thì sao?

– Họ hiểu rõ địa vị mong manh của mình vì không có gì che chở họ. Họ phụ thuộc vào những chính sách. Mới đây tôi đã gặp một vị thứ trưởng tại Paris theo đề nghị của ông ta. Ông muốn biết cần có bao nhiêu tiền để sống được ở Pháp. Tôi trả lời: có lẽ cần 3000 euro/tháng/người. Và ông ta bắt đầu tính rất kỹ đến việc mua 1 căn hộ ở Paris cũng như số tiền cần thiết để sống yên ổn trong vòng 10 năm cuối cùng, ông kết luận rằng trong số 300 triệu người giàu ở TQ, khoảng 20 triệu người có khả năng sống 1 cuộc sống hưu trí dễ chịu ở Paris.

– Vì sao họ muốn đi khỏi đất nước? Bởi lo sợ chế độ sụp đổ?

– Họ không tin vào Chính phủ. Họ nói với nhau rằng chế độ có thể chuyển hướng, rằng người bảo vệ họ hôm qua có thể sẽ không còn vào ngày mai. Họ không quên một số trường hợp điển hình, như Dương Bân giàu lên nhờ buôn bán hoa, nhưng sau đó đã phải vào tù. Thực ra Dương Bân đã bị kẹt giữa 2 làn đạn. Ông đã bắt tay với người Bắc Triều tiên để mở sòng bạc tại vùng biên giới và trở
thành nạn nhân của sự bất hòa giữa TQ và nước láng giềng độc tài, vì Bắc Kinh không muốn thấy tiền từ TQ chảy sang Bình Nhưỡng trong những điều kiện đáng ngờ.

Các nhân vật khác trong giới kinh doanh cũng vỡ mộng: Chu Chính Nghị, trùm buôn bán BĐS ở Thượng Hải đã bị người dân mất nhà cửa tố cáo và phải ngồi tù ngắn ngày, còn thị trưởng Thẩm Dương gây xôn xao dư luận vì có tới hàng chục nhân tình cuối cùng đã bị xử bắn. Tất cả đã vơ vét được những tài sản khổng lồ và tất cả đều ít nhiều bị cản trở hoạt động vì đã mất các chỗ dựa. Một số nhà báo TQ cho rằng chỉ có khoảng 5% số người mới giàu lên này có thể công khai nguồn gốc tài sản của họ, những người khác đã tranh thủ các quan hệ để ký các hợp đồng gian lận, hoặc biển thủ công quỹ.

– Tháng 9/2005, ông đã viết 1 bài về các cuộc cách mạng sắc màu ở các nước thuộc Liên Xô trước đây như Gruzia và Ukraina. Theo ông liệu kiểu cách mạng này có diễn ra ở TQ?

– Những cuộc cách mạng kiểu này chỉ có thể diễn ra ở các nước mà tiến trình dân chủ đã bắt đầu. Đó không phải là trường hợp TQ. Ngược lại, chính quyền TQ đang tạo ra các quả bom nổ chậm và 1 ngày nào đó sẽ dẫn đến 1 cuộc cách mạng thực sự chứ không phải là 1 diễn biến hòa bình. Họ thúc đẩy dân chúng đi tới chỗ trở nên cấp tiến. Dù vậy tôi không nghĩ rằng có thể chứng kiến 1 cuộc nổi dậy của nông dân góp phần lật đổ vương triều, như đã từng diễn ra vào cuối hầu hết các triều đại lớn như Hán, Minh, Thanh… Tôi nghiêng nhiều hơn về khả năng xảy ra 1 cuộc đảo chính. Cũng không loại trừ 1 cuộc khủng hoảng tài chính hoặc 1 thảm họa sinh thái đe dọa sự tồn tại của đảng cầm quyền.

Từ 2005, chính quyền Hồ Cẩm Đào đã rút kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Họ đã làm tất cả để phòng ngừa các quan hệ chặt chẽ giữa các NGO ở TQ và ở nước ngoài, hạn chế các hoạt động của NGO nước ngoài ở TQ, tăng cường kiểm soát báo chí. Các cuộc họp chỉnh đốn tư tưởng được thường xuyên tổ chức ở các cơ sở đảng. Nhưng tôi không muốn nói rằng người dân TQ từ bỏ cuộc đấu tranh vì tự do…

– Ông nghĩ đến luật sư Cao Trí Thạnh?

– Đặc biệt là trường hợp này. Cao Trí Thạnh nổi tiếng thế giới từ khi ông kêu gọi “tuyệt thực quay vòng” 24h từ 2/2006 nhằm phản đối sự đàn áp gia tăng chống các chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền. Ông Cao là 1 người thiên chúa giáo bị thu hồi giấy phép hành nghề luật sư vào cuối 2005 vì bào chữa cho những thành viên Pháp Luân Công. Từ đó ông đã đấu tranh chống lại “sự tàn bạo của các nhà chức trách và sự trấn áp mà người dân phải chịu đựng”. Quả thực một loạt các biện pháp trấn áp đặc biệt gây sốc…

– Đó là những biện pháp gì?

– Có thể kể trường hợp 1 nhà báo bị chết ngày 2/2 sau khi bị tra tấn tại 1 đồn cảnh sát hồi 10/2005, tiếp đến là luật sư Quách Phi Hùng bị đánh đập ngay trước đồn cảnh sát ở Quảng Châu, nhiều thành viên phong trào Pháp Luân Công chết do bị tra tấn… Mỗi vụ việc đều gây xúc động lớn ở TQ. Những đơn kiến nghị được công bố, đòi trả tự do cho các nhà báo bị bắt giữ, trừng phạt những hành vi bạo lực, phục hồi quyền lợi cho những nông dân bị tước đoạt ruộng đất. Đáng chú ý là trong một số các kiến nghị này có chữ ký của những quan chức cấp cao đã nghỉ hưu như Chu Hậu Trạch, Lê Phổ, Hà Gia Đông, những vị cách mạng lão thành.

Cũng bất ngờ khi biết rằng một số nhà tranh đấu được chính quyền ngầm thừa nhận. Quách Phi Hùng được biết đến từ mùa hè 2005 khi ông đứng ra biện hộ cho nhân dân thôn Thái Thạch (Quảng Đông). Họ đã vận động phế truất viên trưởng thôn thối nát theo đúng thủ tục tố tụng hợp pháp nhưng đã bị chính quyền cấp tỉnh ngăn cản trong khi chính quyền trung ương lại không phản đối.

– Ông giải thích thế nào về sự liên minh bất ngờ giữa cơ sở và trung ương chống lại các cấp chính quyền trung gian?

– Trong thời gian nắm quyền, Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ đã giao quyền tự chủ hơn cho các vùng nông thôn. Nhưng Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo muốn nắm lại quyền kiểm soát vùng nông thôn rộng lớn chiếm hơn 1/2 dân số cả nước, theo chiến lược chuyển hướng sự tức giận của những người dân nghèo nhất vào các quan chức địa phương nhằm buộc họ phải từ bỏ chuyên quyền và trả lại quyền lực cho chính quyền trung ương. Do vậy báo chí chính thức sẵn sàng làm rùm beng các vụ rắc rối như ở làng Thái Thạch và không ngần ngại công bố con số thống kê các vụ bạo loạn làm chấn động cả nước.

– Nhưng vì sao cuối cùng chính quyền trung ương lại để cho các lãnh đạo địa phương trấn áp sáng kiến của người dân? Họ sợ điều gì? Nếu nông dân ở làng Thái Thạch cách chức được trưởng thôn thì hậu quả sẽ đi tới đâu ở cấp độ quốc gia?

– Chúng ta đi đến những giả thuyết. Đầu tiên là 1 cuộc xung đột trong nội bộ Đảng. Chính quyền địa phương có thể đã nhận được sự ủng hộ của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người vẫn còn ảnh hưởng lớn đối với số đông ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đặc biệt là với Lý Trường Xuân, trưởng ban tuyên giáo và là cựu tỉnh trưởng Quảng Đông. Thông qua nhân vật này Giang có thể cấm được các cuộc biểu tình ở các tỉnh phía Nam. Can thiệp của ông trong vụ này là do vấn đề quyền lực nhiều hơn là ý thức hệ. Rõ ràng ở làng Thái Thạch, các vụ tai tiếng liên quan đến việc trưng dụng đất của nông dân làm lợi cho bọn đầu cơ BĐS là phổ biến. Nếu cứ xét xử theo luật pháp thì sự liên đới của những đảng viên có chức có quyền trong tỉnh có nguy cơ bị vạch trần.

– Ông nghĩ thế nào về sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Pháp Luân Công? Các thành viên của họ rải rác khắp thế giới, có báo chí ấn hành bằng các thứ tiếng, có đài phát thanh và kênh truyền hình được phát bằng vệ tinh về hướng TQ. Lãnh tụ tinh thần của họ, Lý Hồng Trí, tị nạn tại Mỹ, không ngừng khuyến khích các thành viên vạch trần những việc làm xấu xa, thói tham nhũng của Đảng CS TQ. Đó chẳng phải là giải pháp gần với mô hình tôn giáo của các nước Hồi giáo hay sao?

– Tôi không nghĩ như vậy. Lý Hồng Trí chỉ trích Đảng CS nhưng không đưa ra bất cứ dự án xã hội nào, không có gợi ý nào về 1 đường đi cho cả dân tộc. Đơn giản là Lý Hồng Trí chỉ muốn phong trào của ông ta, vốn bị trấn áp từ 7/99, có quyền tồn tại ở TQ. Chỉ thế thôi không hơn không kém. Ông không đặt ra cho mình 1 đòi hỏi nào khác đối với Đảng CS TQ. Điều đáng chú ý là sự kết hợp giữa phong trào Pháp Luân Công và phong trào của Cao Trí Thạnh. Cuộc biểu tình tuyệt thực do luật sư kêu gọi đã được tiếp sức trên thế giới bằng các phương tiện truyền thông của Pháp Luân Công.

– Đài Loan có thể giữ vai trò nào trong tiến trình rộng lớn này?

– Chuyến thăm TQ của cựu chủ tịch Quốc dân đảng Liên Chiến năm 2005 đã làm thay đổi bầu không khí chính trị giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Chuyến thăm này tạo cơ hội cho các nhà báo TQ đề cập đến hệ thống dân chủ ở Đài Loan, nói về vai trò lịch sử của Quốc Dân Đảng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Nhật những năm 30 và 40. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm phát xít Nhật đầu hàng sau Thế chiến II, tất cả các khía cạnh của lịch sử đã được nêu ra để thỏa mãn sự tò mò của dân chúng, những sự dối trá trước đây của cơ quan tuyên truyền chính thức bị phơi bày.

Những phát biểu của Liên Chiến cũng gây nên một loạt chỉ trích đối với chính quyền TQ: “Hãy xem chủ tịch Quốc dân đảng phát biểu trước ống kính lưu loát và thoải mái biết bao! Khác hẳn với những lời lẽ giáo điều của các vị lãnh đạo vô học của chúng ta! Hãy xem ông nói với chúng ta, những công dân bình thường. Đó không phải là 1 kẻ quan liêu của đảng xa rời quần chúng, mà là đại diện của 1 xã hội dân chủ. Không một vị bộ trưởng nào của TQ ứng xử như vậy đối với chúng ta”.

Nhưng đối thủ thực sự của Bắc Kinh là tân chủ tịch Quốc dân đảng Mã Anh Cửu, thị trưởng Đài Bắc. Ông này đã tuyên bố không có ý định gắn Đài Loan với đất mẹ chừng nào 1 chế độ dân chủ chưa được thiết lập ở TQ.

– Tóm lại ông đã nhìn thấy trong tư duy chính trị hiện nay và trong tiến triển gần đây của xã hội TQ những tín hiệu tích cực dự báo sự thoát khỏi CNCS sắp tới?

– Tôi thấy có nhiều tín hiệu khả quan kể từ năm ngoái. Xã hội đang tiến triển nhanh chóng. Nhà nước đang rút khỏi nhiều lĩnh vực kinh tế, dành sự chủ động lớn hơn cho các chủ thể xã hội. Điều làm tôi vui là sự nâng cao nhận thức chính trị. Không ai muốn thấy người cháu của ông thị trưởng vẫn tại vị khi anh ta bất tài. Cho dù người TQ không sử dụng từ này nhưng chính là sự phát hiện lại thực sự những nguyên tắc của nền dân chủ.

2 bình luận to “Đọc báo 1/2007”

  1. Hoang17 said

    Tom lai cai nao duoc dang, khi nao dang, dang bao nao… Ban VHTTTW co chi thi het. Doc mai chan lam, cahng co gi moi.

  2. Sáu Chín said

    Bạn Núi để font size nhỏ quá, nếu để bình thường mà không trợn mắt lên thì thật khó đọc (May mà firefox xử lý được). Không hiểu lúc đánh bạn Núi có phải trợ mắt lên không? 😀

    Mà nội dung bài này có cho phép chúng ta có sự liên tưởng nào đấy không nhỉ?

Gửi phản hồi cho Hoang17 Hủy trả lời